Khoa Thần kinh và Đột quỵ của chúng tôi nằm trong Bệnh viện Kenessey Albert tại Balassagyarmat, Hungary. Năm nay bệnh viện của chúng tôi đã được Tổ chức Đột quỵ Châu Âu trao tặng Giải thưởng Angels Kim cương vì những cải tiến và kết quả xuất sắc trong chăm sóc đột quỵ cấp tính. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả này. Tỷ lệ tái thông tĩnh mạch của bệnh nhân đột quỵ nhồi máu cấp tính năm 2014 là 9,6% và đến năm 2020 là trên 30%. Thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện đến khi được điều trị trung bình là 87 phút vào năm 2014 và giảm xuống còn 19 phút vào năm 2020.
Trong những năm đầu tiên, chúng tôi đã phải chứng minh cho các bác sĩ của mình rằng bệnh nhân nào cũng quan trọng. Nói cách khác, tất cả bệnh nhân đột quỵ nhồi máu tối cấp có thể có các triệu chứng tàn phế và không có nguy cơ chảy máu đều nên được coi là đủ điều kiện để điều trị. Ở Hoa Kỳ, tái thông tĩnh mạch là liệu pháp dành cho tất cả mọi người mà mạch còn đập. Khi số ca và kinh nghiệm tăng lên, chúng tôi có thể bắt đầu chú ý một cách nghiêm túc đến các thông số về thời gian điều trị như thời gian từ khi nhập viện đến khi được điều trị, vì đây là một trong những yếu tố chính mang lại kết quả hứa hẹn. Khi thúc giục các đồng nghiệp và hệ thống đẩy nhanh việc đánh giá và điều trị cho bệnh nhân nhanh hơn thông thường, chúng tôi chỉ nhận được kết quả cải thiện không đáng kể.
Vào năm 2016, chúng tôi được tiếp cận với Angels Initiative, và chương trình đã giúp chúng tôi theo dõi các quy trình chăm sóc đột quỵ hàng ngày cho mục đích cải tiến. Bài học đầu tiên của chúng tôi là phải theo dõi dữ liệu của mình. Bài học thứ hai là chúng tôi cần chuyển đổi mô hình tổ chức chăm sóc đột quỵ cấp tính. Một số bác sĩ và điều dưỡng của chúng tôi đã tham dự khóa đào tạo mô phỏng có ghi lại bằng video, từ đó chúng tôi nhận ra những điểm mình đang làm chưa đúng cũng như biết cách cải thiện tiến độ và chất lượng. Công cuộc chuyển đổi mô hình nói trên là ứng dụng thực tế của mô hình Helsinki trong bệnh viện của chúng tôi. Trước đây, kết quả của Bệnh viện Đại học Helsinki dường như là không tưởng. Chúng tôi đã đơn giản hóa thành công quy trình điều trị bằng cách loại bỏ các bước không cần thiết trước khi bắt đầu điều trị và tối ưu hóa các khâu còn lại. Chúng tôi đã theo dõi dữ liệu của mình và đưa ra phản hồi ngay lập tức cho các đội đột quỵ trước viện và trong viện cũng như quy trình hàng ngày.
Đội đột quỵ xuất sắc này là một ví dụ tuyệt vời về cách tư duy đổi mới trong hoạt động chăm sóc đột quỵ, tính sẵn sàng cải tiến không ngừng và tinh thần đồng đội tuyệt vời có thể giúp mang lại kết quả vượt trội như vậy. Họ đã nhận được một giải Vàng đầu tiên, nhưng chưa muốn dừng lại ở đó. Họ phấn đấu để đạt được sự xuất sắc ở mức cao nhất và tiếp tục đổi mới. Năm 2020, họ đạt được giải Kim cương nhờ giảm hơn một nửa thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện cho đến khi được điều trị so với năm ngoái, và cải thiện đáng kể tỷ lệ tái thông tĩnh mạch so với những năm trước. Và bây giờ, khi đã ở đẳng cấp cao nhất, họ vẫn tiếp tục học hỏi và luôn mong muốn được đào tạo nhiều hơn nữa” – Kinga Nedda Pete, Chuyên gia tư vấn Angels Hungary
Hiện nay, hầu hết bệnh nhân đều đến viện sau khi có thông báo trước của đội EMS và sẽ có một bác sĩ thần kinh chờ bệnh nhân ở cổng Phòng cấp cứu. Tất cả bệnh nhân được chuyển ngay đến phòng chụp CT trên cáng EMS. Trong quá trình di chuyển bằng cáng, bệnh sử, danh sách thuốc, thông tin chi tiết về lần đột quỵ này sẽ được thu thập. Trong phòng CT, bước đầu tiên là đo huyết áp để tránh chậm trễ nếu cần điều trị hạ huyết áp qua đường tĩnh mạch. Bước thứ hai là khám nhanh tình trạng sức khỏe/thần kinh. Bước thứ ba là thực hiện chụp CT đầu không cản quang và đánh giá sơ bộ (dưới 60 giây). Ngay sau khi quyết định điều trị được đưa ra, việc điều trị sẽ bắt đầu. Việc thu thập mẫu máu, chụp CT mạch v.v. chỉ được thực hiện sau khi bắt đầu điều trị.
Kết quả là, chúng tôi có thể giảm thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện đến khi được điều trị xuống một mức rất thấp so với ban đầu, và cuối cùng chúng tôi đã nhận được giải thưởng tuyệt vời này. Nhân đây, tôi muốn cảm ơn những nỗ lực chung của nhóm đột quỵ của chúng tôi, các nhân viên EMS, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là các đại diện Angels Initiative tại Hungary và Séc. – Bác sĩ Krisztián Pozsegovits, Trưởng khoa Thần kinh